Ngày nay, thú chơi hòn non bộ đã không còn quá xa lạ với nhiều người Việt. Rất dễ dàng để thấy sự hiện diện của chúng tại nhiều gia đình. Song, không phải ai cũng hiểu được chính xác về nghệ thuật này.
Hòn non bộ là gì?
Hòn non bộ được biết đến là một nghệ thuật xây dựng, sắp đặt, thu nhỏ, đưa mô hình những ngọn núi to lớn ngoài tự nhiên vào trong các vườn cảnh. Hay nói một cách khác, người ta gọi là “giả sơn”. Nghệ thuật hòn non bộ nhằm phục vụ cho mục đích thưởng ngoạn và phong thủy trong cuộc sống.
Nghệ thuật non bộ này đã xuất hiện lâu đời trong đời sống của người Á Đông. Ở Nhật Bản được gọi là bonkei, ở Trung Hoa thì gọi là penjing. Tuy nhiên có sự khác biệt đôi chút trong cách chơi non bộ của mỗi nước. Yếu tố vườn cảnh của người Việt có sự biến tấu, sáng tạo, kết hợp thêm với phần nước. Còn người Nhật và người Trung Hoa lại chú trọng nhiều hơn đến yếu tố cây xanh.
Ở Việt Nam, thú chơi này đã xuất hiện từ thời vua Lê Đại Hành. Nhân dịp sinh nhật vua, các quả núi giả được đắp trên chiếc bè giữa sông để vua quan đi thuyền chung quanh thưởng ngoạn.
Ngày nay, nghệ thuật hòn non bộ của Việt Nam đã phát triển lên một đỉnh cao, trở thành một phần không thể thiếu trong thiết kế kiến trúc cảnh quan khi xây dựng, đặc biệt là xây dựng nhà ở.
Ý nghĩa của hòn non bộ trong cuộc sống
Ngoài tác dụng mang đến vẻ đẹp thẩm mỹ cho ngôi nhà thì còn có tác dụng mang đến sự cân bằng âm dương, tạo vượng khí cho nhà ở. Các yếu tố như núi, dòng nước, hang động, cây cối, thuyền bè… được phối hợp rất tinh xảo, tạo nên một sự lưu thông về ngũ hành. Theo đó, núi là nơi hội tụ tinh túy của đất trời, nơi hội tụ tiền tài và danh vọng. Sông là biểu tượng của đại cát. Nước là tài lộc, những dòng chảy của nước biểu trưng cho tài lộc luôn chảy vào ngôi nhà của bạn.
Hòn non bộ còn giúp ta hiểu thêm về cuộc sống, đó là sự liên kết, nương tựa vào nhau giữa các yếu tố. Giúp chúng ta hiểu được rằng, mọi vật, mọi việc trên thế gian này đều như một sợi dây kết nối. Chúng ta cần biết cân bằng, hài hòa mọi thứ.
Như vậy có thể thấy rằng, hòn non bộ không chỉ là một vùng non nước, trời mây được thu nhỏ lại mà còn mang đến vẻ đẹp thẩm mỹ cho khu vườn, căn nhà của bạn. Đặc biệt còn là yếu tố mang nhiều ý nghĩa phong thủy.
Phân loại hòn non bộ
Tùy theo sở thích cũng như điều kiện mà mỗi gia chủ có một sự lựa chọn xây dựng non bộ khác nhau. Dưới đây là 3 loại hòn non bộ phổ biến nhất hiện nay.
Hòn non bộ xây dựng ngoài trời
Đây là loại hình non bộ phù hợp cho những gia chủ có diện tích sân vườn rộng rãi. Diện tích để xây non bộ ngoài trời từ vài mét vuông lên đến vài chục mét vuông. Thực tế không có quy định bắt buộc về kích thước xây dựng. Chỉ cần hài hòa với diện tích căn nhà là được.
Vị trí xây dựng non bộ mang những ý nghĩa khác nhau ngoài việc làm đẹp. Nếu non bộ được xây trước nhà, đó sẽ là bức bình phong che chắn cho gia chủ khỏi những tà khí. Chặn đứng và luân chuyển những điều không tốt ra khỏi trạch phần. Giúp cho cuộc sống của gia chủ luôn thịnh vượng, an bình. Vị trí này, bạn không nên xây kích thước quá lớn so với kích thước ngôi nhà. Tránh để non bộ che khuất toàn bộ mặt tiền.
Nếu hòn non bộ xây dựng phía sau nhà, bạn nên xây với kích thước lớn, đồ sộ. Chúng sẽ trở thành điểm tựa vững chắc cho căn nhà bạn. Trong phong thủy, thế nhà dựa núi được gọi là “hậu chẩm”, mang ý nghĩa vững vàng, kiên cố.
Hòn non bộ mini trong nhà
Với những căn nhà diện tích khiêm tốn ví dụ như nhà phố thì không có đủ không gian để xây hòn non bộ ngoài trời. Đó là lý do những hòn non bộ mini trong nhà được ra đời. Với tỷ lệ thu nhỏ, diện tích không quá 2m2 nên có thể dễ dàng đặt trong nhà. Thông thường, những hòn non bộ này sẽ kiêm luôn bể cá cảnh. Do vậy có thể phối cảnh một thủy cung sinh động hoặc một khung cảnh sơn thủy hữu tình. Điều này tùy thuộc vào sở thích của gia chủ mà có sự bố trí khác nhau.
Một điểm lưu ý khi chơi tiểu cảnh trong nhà chính là cấm kỵ đặt tiểu cảnh nước dưới gầm cầu thang. Tuyệt đối không đặt bể cá, hòn non bộ có hồ nước/thác nước dưới gầm cầu thang nếu muốn gia đình được yên ổn.
Hòn non bộ nhỏ để bàn
Không ít công ty, văn phòng làm việc có trưng bày những tiểu cảnh non bộ để bàn. Kích thước nhỏ gọn, những hòn non bộ được chế tác tinh xảo đang dần trở thành mốt trang trí bàn làm việc của dân văn phòng. Sự nhỏ gọn, dễ di chuyển mà không vướng víu khiến nhân viên văn phòng rất yêu thích. Mô hình non bộ chùa, tháp, núi non…đa dạng giúp cho có nhiều lựa chọn phù hợp sở thích từng người.
Những sai lầm nhất định phải tránh khi xây hòn non bộ
Dưới đây là những sai lầm mà người chơi non bộ dễ mắc phải nếu không có kinh nghiệm.
Thiết kế hình thù kỳ quái cho hòn non bộ
Nhiều gia chủ yêu thích sự kỳ lạ nên thường thiết kế các thế núi lởm chởm, kỳ quái, nhọn hoắt… Tuy nhiên, đây là điều nên tránh bởi sự dị dạng của non bộ có thể trở thành nơi trú ngụ của tà ma. Đặc biệt, khi xây hòn non bộ không tạo hình 2 hốc đen như con mắt nhìn thẳng vào nhà. Chúng gây nên trạng thái bất an cho gia chủ, ảnh hưởng không tốt cho cuộc sống.
Thiết kế hướng nước chảy ra ngoài
Một trong những sai lầm mà khá nhiều gia chủ gặp phải khi thiết kế hòn non bộ đó chính là chọn sai hướng nước chảy. Từ lâu, quan niệm phong thủy đã chỉ ra rằng, “Nơi có nước chảy tới gọi là cửa trời, nước đến mà không thấy người gọi là cửa trời mở. Nơi nước chảy đi gọi là cửa đất, nơi không thấy nước chảy đi gọi là cửa đất đóng”.
Nước là ám chỉ cho tiền tài, do đó, ông bà ta thường có câu rằng “tiền vô như nước”. Việc thiết kế hướng nước chảy ra ngoài đường lộ, ngoài cổng nhà sẽ dẫn đến tiêu hao tài lộc, của cải.
Số lượng đỉnh núi chẵn
Nhiều gia chủ vì yêu thích các số chẵn nên thường chọn làm hòn non bộ theo số chẵn. Tuy nhiên, gia chủ cần biết rằng, đây là một sai lầm chết người đấy vì số chẵn từ lâu chính là tượng trưng cho cõi âm. Do vậy gia chủ nên xây số đỉnh núi cho non bộ là số lẻ như 3-5-7…
Đồng thời không để đỉnh núi quá nhọn. Nếu đỉnh núi nhọn sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Ngoài ra, cũng không được cắt bằng đỉnh núi, sẽ mất tự nhiên. Tốt nhất là tạo hình núi nhấp nhô, có cao có thấp, độ nhọn vừa phải.
Sắp xếp các chi tiết vô lý
Trong một tiểu cảnh non bộ sẽ có các chi tiết nhỏ như nhà cửa, mục đồng, tiên ông, ngư dân, động – thực vật… Đây là lý do bạn cần phải sắp xếp bài trí chúng một cách hợp lý nhất. “Hợp lý” ở đây chính là đúng với quy luật của tự nhiên. Bạn không thể để mục đồng chăn trâu trên đỉnh núi cao chót vót. Không thể để ngư ông câu cá bên vách đá cheo leo. Cây cổ thụ không thể mọc giữa ao…